Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Khuôn mặt càng nam tính, đàn ông càng ít cơ hội có con

Kết quả nghiên cứu mới đây cho hay, những đàn ông sở hữu khuôn mặt càng nam tính, càng rộng lại càng có nguy cơ tinh trùng yếu kém hơn những người cùng giới sở hữu những khuôn mặt nữ tính hơn.

Tỷ lệ nghịch giữa khuôn mặt nam tính và số lượng "tinh binh" của cánh mày râu được chỉ ra như một kết quả thú vị sau nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học đến từ Tây Ban Nha, Australia và Colombia.


Tinh dịch của các sinh viên da trắng, gốc Âu ở Đại học Valencia (Tây Ba Nha) được sử dụng để tiến hành nghiên cứu. Đồng thời khuôn mặt của những người đàn ông này cũng được chụp lại. Sau đó các nhà nghiên cứu đã tiến hành châm điểm những hình ảnh này dựa vào 7 thông số biểu lộ sự nam tính, bao gồm cả độ rộng xương gò má và lỗ mũi.

Cuối cùng, nhóm nghiên cứu phân tích liệu có tồn tại sự liên quan giữa bất kỳ thông số nào về sự nam tính với chất lượng tinh trùng của đàn ông.

Kết quả hé lộ, ở cánh mày râu, khuôn mặt càng nam tính và càng rộng dường như gắn liền với nguy cơ "tinh binh" càng yếu kém hơn. Ngoài sự liên quan tới lượng testosterone cao hơn, khuôn mặt rộng hơn của nam giới cũng ám chỉ chủ nhân nhiều khả năng sở hữu các đặc điểm như khỏe mạnh, hiếu chiến, áp đặt, có địa vị, thành công về tài chính và dễ dối trá.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thừa nhận, khi đàn ông có tinh dịch bất thường (theo tiêu chuẩn đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới) bị loại bỏ khỏi nghiên cứu, sự liên quan như trên biến mất.

Đàn ông có giọng trầm có số lượng tinh trùng ít hơn

Một nghiên cứu trước đây từng khám phá ra rằng, đàn ông sở hữu giọng nói trầm có số lượng "con giống" ít hơn các bạn đồng giới. Các chuyên gia nhận định, điều này có thể vì lượng hoóc môn nam tính testosterone cao hơn đã cản trở việc sản sinh tinh trùng.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia quốc tế cũng phát hiện, những người đàn ông được cả 2 giới đánh giá là hấp dẫn, thay vì nam tính, sản sinh ra các "con giống" có chất lượng tốt hơn so với những người đàn ông bị xem là kém hấp dẫn hơn.

Giả thuyết nhằm lý giải hiện tượng này là, luôn có một sự "bù đắp", trong đó, đàn ông nam tính với giọng nói trầm và các cơ lực lưỡng chiến thắng trong cuộc cạnh tranh thu hút phái yếu, nhưng có thể "thua" ở khả năng có con. Vì đàn ông nam tính có thể hấp dẫn nhiều phụ nữ hơn nên họ có thể không cần tinh trùng chất lượng quá tốt để khiến một phụ nữ mang bầu.