Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

Khi "vùng kín" mắc bệnh

Vùng kín có tính chất đặc thù, khi bị bệnh thì biểu hiện đầu tiên và dễ nhận thấy là sự ra khí hư bất thường. Khí hư được hình thành do tác dụng của nội tiết tố nữ estrogen, có tác dụng giữ ẩm cho âm đạo, là chất bôi trơn, tạo môi trường thuận lợi cho tinh trùng vào tử cung.

Khí hư bình thường có màu trắng trong hoặc trong suốt không màu, gần như không có mùi. Nhưng khi khí hư ra nhiều, có mùi hôi, có màu giống như mủ, thì rất có thể bạn đã bị mắc một trong những bệnh phụ khoa (viêm cổ tử cung, viêm âm đạo, viêm niêm mạc tử cung, viêm phần phụ).


Viêm âm đạo có 4 tác nhân chính gây viêm âm đạo:

Viêm âm đạo do Trichomonas vaginalis: khí hư loãng, màu vàng nhạt, có bọt. Soi tươi khí hư thấy Trichomonas di động (khí hư phải lấy vào những ngày trước khi hành kinh hoặc ngay sau khi hành kinh mới thấy Trichomonas), những ngày khác không thấy.

Viêm âm đạo do nấm Candida albican: khí hư tương đối ít và trông như những vảy nhỏ. Soi kính thấy có những sợi nấm.

Viêm âm đạo do vi khuẩn lậu, thường kèm theo viêm tử cung hay viêm âm hộ: khí hư rất nhiều, đặc trắng hoặc xanh như mủ. Xét nghiệm thấy vi khuẩn lậu hình hạt cà phê.

Viêm âm đạo do tạp khuẩn: có nhiều khí hư như mủ, có thể lẫn ít máu, thường gặp ở phụ nữ đã mãn kinh hoặc cắt bỏ hai buồng trứng làm lượng folliculin giảm xuống nên bảo vệ âm đạo kém.

Điều trị: tùy tác nhân gây bệnh mà dùng thuốc kháng nấm, kháng sinh đặt tại chỗ hay toàn thân.

Viêm cổ tử cung:

Viêm cổ tử cung cấp tính: khí hư nhiều đặc, dính như hồ, có màu đục, có mủ nhiều khi lẫn máu; cổ tử cung sung huyết phù nề. Xét nghiệm khí hư thấy có vi khuẩn lậu. Ngoài nguyên nhân do vi khuẩn lậu, viêm cổ tử cung cấp tính còn có thể do nhiễm khuẩn sau sinh, sau sẩy thai, rách cổ tử cung làm niêm mạc cổ trong bị lộn vào âm đạo và bị nhiễm khuẩn.

Viêm cổ tử cung mạn tính: khí hư có thể nhiều hoặc ít, màu xanh hay màu vàng thường trước và sau khi hành kinh khí hư ra nhiều hơn. Đặc biệt, khí hư không bao giờ lẫn máu. Nếu có máu phải đặt vấn đề nghi ung thư hoặc lao cổ tử cung.

Viêm thân tử cung (viêm niêm mạc tử cung)

Viêm niêm mạc tử cung cấp tính do vi khuẩn lậu: khí hư như mủ, xét nghiệm khí hư có song cầu lậu. Ít khi có viêm tử cung đơn thuần do vi khuẩn lậu nó thường đi kèm với viêm cổ tử cung và phần phụ cấp tính.

Viêm niêm mạc tử cung cấp tính sau sẩy, đẻ: sản dịch hôi, lẫn máu đỏ, có khi lẫn mủ hôi, nhất là khi có vi khuẩn hiếm khí, mủ không có mùi hôi thối nếu là do vi khuẩn khác.

Viêm niêm mạc tử cung mạn tính đơn thuần rất hiếm gặp: khí hư nhiều có khi lẫn máu.

Viêm phần phụ (viêm vòi trứng)

Viêm phần phụ cấp tính: đau vùng hạ vị và ra nhiều khí hư.

Viêm phần phụ mạn tính: đau vùng hạ vị hoặc hai bên hố chậu trong, khí hư chảy qua ống dẫn trứng qua buồng tử cung ra ngoài trong mỗi cơn co bóp và đau vòi trứng.

Ngoài ra, trước và trong những ngày gần hết hành kinh, khí hư sẽ ra nhiều hơn, lúc này chị em nữ nên chú ý vệ sinh vùng kín như rửa bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ, dùng băng vệ sinh hằng ngày. Nên chọn những chiếc quần lót thấm hút mồ hôi, có chứa nhiều cotton, thay quần lót ít nhất 1 lần/ngày. Bên cạnh đó, cần có chế độ dinh dưỡng đúng, hợp lý và chế độ nghỉ ngơi, rèn luyện thân thể.

Làm gì để phòng bệnh?

Viêm nhiễm vùng kín là bệnh có nguy cơ tái phát cao do đặc điểm của môi trường âm đạo ẩm ướt, các thói quen mặc quần áo bó sát, trong thời gian dùng thuốc kháng sinh, vệ sinh kém cũng làm cho bệnh dễ tái phát.

Mới đây, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, càng bị stress nhiều thì phụ nữ càng có nguy cơ viêm âm đạo. Có thể do stress đã làm suy yếu hệ miễn dịch. Sau khi bị viêm nhiễm, nhiều chị em có thói quen thụt rửa âm đạo bằng dung dịch sát khuẩn, cách làm này sẽ dẫn đến có tỷ lệ mắc bệnh trở lại cao gấp 5 lần người thường.

Việc thụt rửa âm đạo thường xuyên bằng dung dịch này sẽ phá hủy phổ vi khuẩn bình thường của âm đạo. Lúc đó, độ pH của âm đạo bị kiềm hóa, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh phát triển. Khi dung dịch sát khuẩn phá vỡ cân bằng trong môi trường, viêm nhiễm lại tiếp tục xảy ra, không những gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.

Do đó, tốt nhất bình thường chị em chỉ nên vệ sinh bằng nước sạch rồi lau khô sau khi đi vệ sinh và giao hợp. Khi có những dấu hiệu bệnh ở vùng kín như nói ở trên, chị em cần đi khám để được tư vấn điều trị đúng.

Những căn bệnh bạn có thể mắc phải khi ở tuổi 30



Khi bước vào ngưỡng tuổi 30, bạn cần chú ý tới việc chăm sóc sức khỏe không chỉ cho bản thân mà còn cho nửa kia của mình nhiều hơn.

Bởi vì cả hai đều phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng nếu không duy trì một lối sống lành mạnh và tích cực. Dưới đây là những căn bệnh bạn có thể mắc phải khi ở độ tuổi 30.


1. Ung thư cổ tử cung
Bạn có biết rằng đây là một trong những bệnh có nguy cơ mắc cao nhất ở phụ nữ độ tuổi 30 – 40? Vì vậy bạn cần kiểm tra sức khỏe định kì để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường và điều trị kịp thời.

2. Tiểu đường týp 2
Gần 20% nam giới và phụ nữ trên 30 tuổi mắc bệnh tiểu đường týp 2. Tiểu đường là một bệnh nghiêm trọng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho bạn. Phương pháp tốt nhất để ngăn ngừa bệnh tiểu đường týp 2 là duy trì cân nặng hợp lí, ăn uống khoa học và hoạt động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày.

3. Ung thư tinh hoàn
Ung thư tinh hoàn chiếm tới 15% số các bệnh ung thư ở nam giới trong độ tuổi 30 – 40. Vì vậy bạn hãy nhắc nhở nửa kia của mình khám sức khỏe định kì hàng năm để phát hiện và ngăn chặn nguy cơ mắc căn bệnh này.

4. U sắc tố da
Nam giới và phụ nữ ở độ tuổi 30-39 vẫn có nguy cơ cao mắc u sắc tố da. Ung thư da là một vấn đề nghiêm trọng. Để phát hiện u sắc tố da, bạn cần chú ý tới sự xuất hiện của nốt ruồi và các dấu hiệu khác trên cơ thể. Nếu phát hiện có sự thay đổi, bạn cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Khám da liễu hàng năm cũng là một cách để bạn phát hiện bệnh sớm và phòng chống bệnh hiệu quả.

5. Ung thư đại tràng
Nam giới ở độ tuổi 30 trở lên cũng phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng. Tuy nhiên, bệnh này có thể chữa trị được nếu phát hiện sớm trước khi các triệu chứng phát triển. Vì vậy, bạn hãy khuyến khích anh ấy đi khám bệnh để sàng lọc ung thư đại tràng và cách giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

6. Ung thư vú
Phụ nữ trên 30 tuổi có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú rất cao. Nguy cơ mắc căn bệnh này phụ thuộc vào tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú ở tuổi dưới 40 tuổi. Cũng giống các bệnh ung thư khác, ung thư vú có thể chữa trị được nếu phát hiện sớm, vì vậy, hãy tự khám vú hàng tháng và đi khám ngay khi phát hiện có biểu hiện bất thường.

7. Bệnh tim
Bệnh tim là căn bệnh gây chết người số 1 ở nam giới trên 35 tuổi và ở phụ nữ nói chung. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe tim mạch ở bất cứ độ tuổi nào. Bạn cần kiểm tra huyết áp thường xuyên và nồng độ cholesterol 5 năm/lần. Đồng thời, cần duy trì lối sống lành mạnh để cải thiện sức khỏe trái tim của bạn.

8. Béo phì
Bạn không nên quá lo ngại vì béo phì chỉ là một trong nhiều nguy cơ sức khỏe trầm trọng ở lứa tuổi 30. Để giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì ở độ tuổi trên 30, bạn cần tạo cho mình thói quen ăn uống khoa học và một lối sống năng động.